Những điểm mới nhất về BHXH bắt buộc từ 01.09.2021 NLĐ cần biết

Người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định phải thực hiện đóng BHXH. Với mong muốn hệ thống an sinh xã hội toàn diện và có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân. BHXH luôn cố gắng đổi mới chính sách và cả hình thức, mục tiêu để đảm bảo tính công bằng, bền vững. Đồng thời, phát huy tích cực việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện để mọi người đều có thể tham gia BHXH. Hãy cùng chúng tôi điểm qua những điểm mới nhất về BHXH bắt buộc từ 01.09.2021 qua bài viết sau.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì?

Theo khoản 2 Điều 3 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

Các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc:

  • Ốm đau
  • Thai sản
  • Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
  • Hưu trí
  • Tử tuất
Bảo hiểm xã hội bắt buộc
5 chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc

Một số điểm mới nhất về BHXH bắt buộc mà NLĐ cần biết

Mới đây, Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH đã được ban hành để sửa đổi một số quy định của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH. Theo đó, từ ngày 01/9/2021, sẽ có nhiều thay đổi lớn ảnh hưởng đến người tham gia BHXH bắt buộc. Hãy cùng theo dõi một số điều đáng chú ý sau đây:

Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Bổ sung quy định người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH thì tham gia BHXH bắt buộc theo đối tượng quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH.

Những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động sẽ đóng BHXH bắt buộc theo mức 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH này sẽ dựa theo hợp đồng lao động đã ký. Và phải tuân theo nguyên tắc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất.

Mức hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ không trọn tháng

Thông tư 06/2021 kế thừa và bổ sung quy định về mức hưởng tối đa như sau:

  • Đối với trường hợp NLĐ nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài thì bổ sung quy định mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng tối đa bằng mức trợ cấp ốm đau một tháng.
  • NLĐ thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
  • Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo NLĐ vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Chế độ ốm đau
BHXH bắt buộc quy định về hưởng chế độ ốm đau

Trường hợp hưởng trợ cấp một lần khi sinh con đối với lao động nam

Đây là điểm bổ sung mới nhất về BHXH bắt buộc về việc hưởng trợ cấp chế độ thai sản. Khoản 5 Điều 1 Thông tư 06/2021, bổ sung Điểm c Khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015 như sau: Trường hợp người mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Khi người cha đủ điều kiện quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015 thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 Luật BHXH. Ngoài ra, việc bổ sung quy định này nhằm làm rõ các nội dung tại Điều 38 Luật BHXH.

Nghỉ phép năm trùng với thời gian nghỉ thai sản

Khoản 7 Điều 1 Thông tư 06/2021 bổ sung thời gian hưởng chế độ thai sản trùng với phép năm. Cụ thể, thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội. Đối với trường hợp NLĐ đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương thì:

  • Thời gian trùng với thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không được tính hưởng chế độ;
  • Thời gian nghỉ việc ngoài thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương. được tính hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội.

Nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Đối với lao động nữ trong một năm vừa nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Sau khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; vừa nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm. Đối với mỗi trường hợp không quá thời gian tối đa sau đây:

  • Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên
  • Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật
  • Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác
  • Việc bổ sung nội dung này nhằm hướng dẫn quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật BHXH.
Bảo hiểm xã hội bắt buộc 2021
Nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Kết luận

Trên đây là một số điểm mới nhất về BHXH bắt buộc đáng chú ý cho người lao động. Ngoài những quyền được hưởng ra thì người lao động phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Hy vọng, bài viết sẽ giúp bạn cập nhật kịp thời những tin tức hữu ích. Cảm ơn bạn đã quan tâm!