Có được đóng BHXH tự nguyện ở nơi tạm trú hay không?

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chế độ bảo hiểm do Nhà nước bảo hộ và cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thực hiện. Người lao động không tham gia BHXH bắt buộc hoàn toàn có thể lựa chọn mức đóng và phương thức đóng BHXH tự nguyện theo nhu cầu của mình. Tuy nhiên, nếu bạn đang làm việc và sinh sống tại một nơi khác không có đăng ký cư trú. Vậy bạn có thể tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở đâu? Và bạn có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở nơi tạm trú được hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu vấn đề này qua bài chia sẻ sau!

Những điều cần biết về bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức. Người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm các chế độ nào?

Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 02 chế độ: Hưu trí và tử tuất (Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014). Nhờ vậy, người tham gia có thể đảm bảo cuộc sống cho mình khi không thể tiếp tục làm việc. Có thể thấy, so với chế độ BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi hơn. Tuy nhiên, với những lợi ích mà loại hình bảo hiểm này đem lại thì công dân có thể tham gia BHXH tự nguyện, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Hơn nữa, BHXH tự nguyện cho phép người lao động lựa chọn đóng theo mức thu nhập của bạn. Do đó, BHXH tự nguyện sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhiều người dân muốn tham gia BHXH hơn.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là bao nhiêu?

Mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn (Khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Từ ngày 01/7/2019, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng theo quy định của Nghị định 38/2019. Do đó, 20 lần mức lương cơ sở là 29.800.000 đồng.

Một số quy định về việc đóng BHXH tự nguyện ở nơi tạm trú

Bạn đọc có câu hỏi như sau: Tôi có hộ khẩu thường trú ở tỉnh nhưng hiện đang sinh sống và tạm trú ở TP.HCM. Tôi làm nghề lao động tự do nên không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Trường hợp của tôi có thể đóng BHXH tự nguyện ở nơi tạm trú hay không? Thời gian giải quyết hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện là bao lâu?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật BHXH: Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên; Không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Căn cứ theo điểm D mục 1.1 và khoản 1 Điều 3 Quyết định 595/QĐ-BHXH, người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng tiền tại cơ quan BHXH cấp huyện ở nơi tạm trú. Thời gian giải quyết hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện mất khoảng bao lâu? Tại Điều 29, Văn bản số 2089 của BHXH Việt Nam quy định về thời gian giải quyết hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện là không quá năm ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Đóng BHXH tự nguyện tại BHXH cấp huyện nơi tạm trú

Như vậy, bạn có thể tham gia BHXH tự nguyện tại BHXH cấp huyện nơi bạn thường trú, tạm trú. Và thời gian, thủ tục giải quyết hồ sơ BHXH tự nguyện cũng khá đơn giản và nhanh chóng.

Kết luận

Trên đây là những kiến thức hữu ích cho người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng tiền tại cơ quan BHXH cấp huyện ở nơi cư trú hoặc nơi có hộ khẩu tạm trú. Mong rằng, bài viết này sẽ giúp ích được cho người lao động khi tìm hiểu về BHXH tự nguyện.